Orbital An Toàn
- Ngọc Ảnh
- 12 thg 8, 2023
- 5 phút đọc
Nay mình nói hình tượng chút đi, phàm đã tồn tại trên thế giới này thì bất kì sự thể gì cũng đều có một vùng “orbital an toàn” quanh nó. Tùy theo cái cách mà chủ thể lựa chọn, để yên trong hay phá ra ngoài, tĩnh tại hay vận động mà cả thế giới tương tác với nhau hỗn loạn. Môn khoa học nghiên cứu mấy quy luật đó, ta gọi chung bằng cái tên đầy thương mến là “Cơ Học Lượng Tử”. Tuy nhiên, hôm nay ta lại không bàn đến bộ môn đơn giản đó, hôm nay ta đi chê phim “Oppenheimer” của Christopher Nolan, một vị đạo diễn mà tôi giờ khá hâm mộ.
Thực ra thì bộ phim lần này của Nolan khá là không tệ. Câu chuyện tương đối tròn trịa, hình ảnh làm đúng phận sự và có vài ẩn dụ không mới, dựng phim chuẩn sách vở với đoạn 1/4 cuối có mấy nhịp bị nhanh, cảm xúc lên rồi trôi đi, và âm thanh rất tệ. Nói chung là bình thường, là không thoát ra được khỏi vùng “orbital an toàn” của chính bản thân anh.

Cái “orbital an toàn” ấy của Nolan là gì? Là kiểu cắt dựng quá khứ – hiện tại sóng đôi quen thuộc như trong “Memento”, bộ phim mà có lẽ mọi đỉnh cao tài năng của anh đã để lại đó. Là niềm đam mê các lý thuyết vật lý phức tạp, như bóng hình của “Thuyết Tương Đối” và cả “Cơ Học Lượng Tử” trong “Interstellar”. Là sự ám ảnh về thời gian, quan hệ nhân-quả, và ý nghĩa của người sống trôi trên dòng thời gian đó, như trong “Memento”,“Inception” và “Tenet”. Gộp tất cả những thành tố đó lại thì ta có một vị đạo diễn xuất chúng mà màu sắc nghệ thuật của bản thân có chứa hơi hướng Phật giáo luận, và...hết. Cách đây chưa lâu thì rõ ràng “Tenet” là một thất bại: doanh thu không đủ, chủ đề tự lặp, và nghệ thuật không mới; có lẽ vì vậy mà lần này “Oppenheimer” được đạo diễn chọn như là một sản phẩm sẽ đảm bảo độ an toàn, hơn là đạt được một thứ gì đó đột phá.
Quả đúng. Trước khi xem thì tôi đã háo hức được xem một thế giới lượng tử trong đầu nhà khoa học thiên tài là như thế nào, thì phải nhận lấy bấy nhiêu sự thất vọng: những đốm lửa lập lòe, những vòng sóng uốn cong, một vùng không gian thăm thẳm hút lấy ánh sáng xung quanh, và hết. Chính thế giới lượng tử trừu tượng siêu hình tự thân nó đã mở ra một đất diễn mênh mông cho người nghệ sĩ thể nghiệm hình ảnh sáng tạo mà còn bị đối xử như vậy, thì rất không lạ sự đáng sợ bức người, thê lương, tang tóc của bom A được làm không hề ấn tượng: ánh sáng lóa mắt, âm thanh đinh tai, vài miếng da người tróc ra kiểu băng keo không dính, hết, thực sự rất nhạt. Các cảnh sex có dụng ý kinh điển là thể hiện sự bóc trần, niềm tin yêu và sự phản bội giữa người với người thì theo quan điểm cá nhân tôi thấy nó hơi bị thô, chưa kể còn có khúc nhân vật nữ dùng tay nhét “ấy” vào, rồi nam chính đọc một đoạn trích về thần hủy diệt Vishnu, cảm giác nó cực kì báng bổ chứ không thấy nghệ gì (hèn gì Ấn Độ cấm chiếu). Ừ thì ta có thể ngụy biện là nhà khoa học thì mấy món ấy nó khó lãng mạn, mềm mại, nhưng mà phim làm dưới cảm nhận của nghệ sĩ mà, ơ kìa.
Hình ảnh không xuất sắc thì ta phải cầu viện đến câu chuyện.
Thực ra với câu chuyện tuyến tính về một nhà khoa học bị dính thị phi (như chính Einstein trải qua) như thế này thì có thể được xử lý gọn hơn chứ không cần thiết phải bôi hết ra thế, thoại váng cả đầu thực sự rất oải. Đấy là tôi bình phẩm với tư cách một khán giả kiêm fan hâm mộ vật lý có thể nghe hầu hết thoại mà không cần phụ đề. Thôi để tôi tóm tắt cho các bạn: ý nghĩa bộ phim chính là về “Nguyên Lý Bất Định” nổi tiếng của Heisenberg, nền tảng vững chắc của “Cơ Học Lượng Tử”, hết rồi đó. Nguyên lý đó diễn nghĩa triết lý ra đơn giản thế này: “Khi quan sát, bạn không bao giờ có thể xác định chính xác tính chất của một thứ gì, càng cố quan sát thì thấy ảnh càng sai và nhận định càng lệch khỏi sự khách quan”. Hi vọng là bạn đã xem phim vì tôi sẽ lộ khúc cuối, cả bộ phim giá trị nhất khi Oppenheimer nói với Einstein thế này:
“Khi tôi đưa ngài mấy tính toán đó, thì chúng ta đã bắt đầu hủy diệt thế giới rồi.”
Câu nói ấy là lời giải đáp cho toàn bộ những hành động kì lạ của nhà khoa học thiên tài xuyên suốt phim: tại sao lại nhiệt tình làm bom A, để cho nhà cầm quyền lấy chúng dội lên đầu nước Nhật, rồi sau này lại ngăn cản dự án bom H? Tại sao hồi trẻ có quan tâm Cộng Sản nhưng sau này lại tận hiến cho Tư Bản?
Câu trả lời là “Để mong cầu mọi nỗ lực của mình và đội nhóm đi được đến kết cục các nước vì hãi sợ sức mạnh của thứ vũ khí hủy diệt từ nước Mĩ mà sớm đầu hàng, khỏi đánh tiếp, tránh được thương vong.”
Đây chính xác là một ngụy biện cố ý để thể hiện cái nhìn nhân văn với bản thân Oppenheimer hơn là suy nghĩ thực sự của ông ấy. Tâm tư ông ấy thực sự đã như thế nào, ta không bao giờ biết, càng quan sát chỉ càng phạm vào “Nguyên Lý Bất Định” mà thôi.
Về phần âm nhạc/âm thanh thì ta không cần nói nhiều, dở tệ hại. Một bộ phim thành công là một bộ phim dắt được cảm xúc, mà thành tố chiếm ít nhất 33% sức mạnh điều chuyển tâm lý ấy là âm nhạc/âm thanh. Phần này của phim, công tâm mà nói đã thất bại thảm hại, cảm xúc đã không lên (mà nhiều khán giả chứ không riêng tôi) chỉ thấy phiền: ầm à ầm ầm, đinh tai nhức óc.
Thôi ta quan sát vậy đủ rồi, thêm nữa cũng chẳng đúng hơn và phim cũng chẳng hay hơn lên. Đây là một bộ phim mà tôi sẽ không xem lại trong thời gian gần, vì đơn giản, nó khiến tôi lại bớt tin vào tên tuổi của vị đạo diễn mà tôi đã từng rất yêu mến.
Hết.
Ngọc Ảnh
Comentarios