Sự Cứu Chuộc
- Ngọc Ảnh
- 24 thg 7, 2023
- 7 phút đọc
Đã cập nhật: 26 thg 7, 2023
Không nhiều những tác phẩm có thể thay đổi cuộc đời con người như thế.
“Đó là một kẻ trong cái quân đoàn đông vô kể và vô cùng đa dạng của những thằng hèn, bọn con đẻ non còm cõi và những gã độc đoán không học hành gì đến nơi đến chốn, mà chắc chắn sẽ lập tức đi theo một ý tưởng thịnh hành thời thượng nhất, để ngay tức khắc tầm thường hóa nó, để lập tức châm biếm mọi thứ mà họ đôi lúc đã phụng sự một cách chân thành nhất.”
“Tội Ác và Sự Trừng Phạt” – Văn Hào Dostoevsky. Thiên Lương dịch.

Giấu đi cùng khắp trong cuốn tiểu thuyết thực ra về mặt kĩ thuật là (khá) tệ này, là những tư tưởng mạnh mẽ, không khoan nhượng của tác giả, để ngạo đời, ngạo người, và thực ra là để ngạo chính bản thân mình. Không nghi ngờ gì, “Tội Ác và Sự Trừng Phạt” là tác phẩm được viết ra để cứu chuộc linh hồn tác giả, một cuộc độc thoại triết học, xa tít ngoài phạm vi lớp vỏ bọc truyện dài ly kỳ vốn dĩ được tạo ra để tác giả không phải sớm chết đói.
Bởi những lẽ đó mà đến nay đây là tác phẩm duy nhất tôi rất không thích và thậm chí là (rất) chê, về mặt kĩ thuật văn chương; nhưng nó cũng lại thuộc những tác phẩm rất đáng ngưỡng mộ, nhất.
Về hình thức, thành thực mà nói thì với tôi, đây không phải tiểu thuyết, mà là một tập hợp các truyện ngắn trình bày theo kiểu chương hồi để câu độc giả, và cảm giác như được viết theo kiểu rất kịch bản sân khấu một cách cố ý. Bằng chứng rõ ràng nhất là tuy mỗi nhân vật đều có những nét cá tính đặc trưng, nhưng tất cả bọn họ đều nói quá nhiều, nói váng cả đầu, để kể lể, mô tả sự kiện cảm xúc này nọ, và đều đa cảm quá lố đến mức bất bình thường. Điều này thực ra lại không mâu thuẫn với vốn hiểu biết ở tầm bác đại tinh thâm không thể che giấu của Cụ đối với con người nói chung: già, trẻ, gái, trai, ai cũng như bị lột trần ra biết mấy tầng tiềm thức trước mắt độc giả.
Vấn đề chỉ là lựa chọn cách thể hiện cho mục đích khác. Dostoevsky cho sinh ra rất nhiều nhân vật cuối cùng chỉ để bắt họ mỗi kẻ đóng vai một mảnh linh hồn mình: mỗi người một chút khôn ngoan, chút tàn nhẫn, gộp lại thì hiện ra nguyên hình tác gia. Để làm được như vậy thì đơn giản, người viết chẳng cần gì ngoài thiên tài và Duyên Trời ban.
Nói đến Duyên Trời ban thì đó cũng là một chủ đề được Cụ cho ẩn đằng sau một cách không thể lộ liễu hơn: quá nhiều sự tình cờ. Lúc nào cũng một kiểu: tự nhiên vào lúc ấy, con người ấy ở sẵn nơi đấy, nói nói gì đấy, cứ như là “Chúa đã sắp đặt sẵn như vậy, đừng có cãi”; nhưng (với tôi) thực ra là cố ý cài cắm để truyện có cớ đi tiếp.
Như vậy, tôi vừa tạm liệt kê một số thứ xấu xí có lẽ là được cố ý bày ra nhằm che giấu đi sự vĩ đại.
Tiếp đây là những góc độ đọc để ánh sáng lộ ra, dựa trên sở thích cá nhân của tôi.
Trên hết, ta hãy rất chú tâm vào cuộc đấu trí của điều tra viên Porfiry với tội phạm Raskolnikov, vốn chỉ diễn ra từ phần 4, nghĩa là từ đúng nửa sau tác phẩm. Thường thì là vậy, nửa đầu để sắp đặt, nửa sau để tác gia thể hiện tài hoa, mà thực sự Cụ Dostoevsky viết nửa sau tốt hơn nhiều, đỡ lỗi hơn, trông giống tiểu thuyết hơn, và mọi sức nặng thì đặt cả vào.
Mô tả ngắn gọn thì mối quan hệ giữa Porfiry và Raskolnikov đúng kiểu “My dear enemy – kẻ thù thương mến của ta” kinh điển. Giữa hai kẻ nói trên có một sự ngưỡng mộ nhau không hề che giấu, rất muốn nhưng cũng lại rất sợ bị kẻ kia nhìn thấu tâm can. Đúng rồi, nó nghe như tình yêu của đàn bà vậy, thực ra là do bản thân mỗi kẻ yêu bản thân đến tột độ: có yêu như vậy nên mới dồn hết mọi khôn ngoan của cuộc đời mình ra vừa phô trương vừa giấu diếm trước mặt kẻ kia đấy.
Tôi sẽ không nói nhiều thêm về trường đoạn rất lãng mạn này giữa hai người đàn ông ngoài xác nhận một điều rằng, chính xác, trong thực tế những cuộc cân não như thế này quả thực đem lại cho ta thứ khoái cảm thần thánh: ta bước đi trên một sợi dây, nhìn phía bên kia vực, tin chắc là mình sẽ đến đích, nhưng sự thật là ta vẫn còn mải đứng ngay lưng chừng đó, chưa tiến, và chưa lùi, và chưa biết là đối thủ liệu có muốn cắt dây hay không?
Kế đến, ta hãy chú ý đến cái cách Dostoevsky viết về (những người) đàn bà. Hiếm có tác gia nào có thể viết về đàn bà mà vừa chính xác tuyệt đối, vừa gai góc ráo hoảnh, nhưng lại ấm áp tình yêu thương đến như vậy. Đàn ông mà viết về đàn bà thì thôi đấy, hoặc lệch bên này, hoặc lệch bên kia, chỉ có đàn ông rất yêu và rất hiểu đàn bà mới viết được ngay ngắn.
Hầu hết những nhân vật nữ trong tác phẩm (trừ 1 trong 2 nạn nhân) đều có hình dung được mô tả méo mó thế nào đó, kể cả đấy có là Dounia xinh đẹp, để rồi sau đấy ta nhận ra được, trong họ là những cao đẹp thế nào. Việc này trái ngược với cái cách Cụ viết về những thằng đàn ông, hầu hết thằng nào nom cũng đỏm dáng và tươm tất thế nào đó, nhưng khui một hồi thì thấy toàn là dị tật. Ở đây nhẽ tôi không cần nói thêm về thái độ của tác gia đối với hai giới. Tuy nhiên, theo tôi thì hoàn cảnh sáng tác thực tế (có cô trợ lý trẻ xinh bên cạnh) phần nào đã tác động mạnh mẽ lên ngòi bút tác giả.
Mà thực là nếu không có ai ở bên cạnh thì không thể nào viết ra, dịch, và đọc một tuyệt tác như thế này.
Nó rất ám ảnh.
Mới đầu thì tôi cũng bị tự tin một chút, nghĩa là cho rằng mình có thể dễ dàng “đi vào” và “đi ra” khỏi câu chuyện, vốn là cách ứng xử thường tình mỗi khi tôi thưởng thức văn chương. Nhưng lần này, chỉ riêng lần này, khi tôi đã “đi ra” rồi thì mới là lúc những ám thị “đi vào”. Tôi đã mơ, nhiều, ma quái, những dấu vết rất rõ ràng, đặc biệt là Máu, Dấu Máu, chúng cứ ở đấy. Cứ qua mỗi phần, lại như vậy, xuyên suốt hành trình tâm linh đi tìm sự cứu chuộc của Raskolnikov, cho đến tận đoạn kết, khi cuối cùng anh ta cũng đầu hàng lương tâm của mình. Tưởng là xong rồi, yên rồi, thì đến lúc đó sự cứu chuộc của Svidrigailov đứng chắn nốt! Rất mệt!
Nói thế này nghe thì gắt gỏng nhưng tôi thực lòng muốn tốt cho những ai đang manh nha một niềm phấn khởi muốn đọc tác phẩm này với một ảo tưởng mơ hồ nào đó trong lòng: hãy quên chuyện đó, còn rất nhiều cái thú khác ngoài kia, quên nó đi, nhanh. Nói vui, ngay cả đối với kẻ thù của mình thì tôi cũng không tàn nhẫn đến độ bắt bọn nó phải đọc tác phẩm này.
Đây là một hành trình mà khi, và chỉ khi bạn rất thông minh, hơn Raskolnikov, hơn cả Porfiry, hơn rất nhiều người, thì bạn mới có toàn quyền thưởng thức nó, ở mức độ cao nhất. Nó thực ra cũng gần giống lúc bạn thiền tập đến một cái tầng nào đó mà hàng loạt các tâm ma xuyên phá tâm trí bạn: bạn sẽ thua. Còn giả như bạn qua được ải đó? Xin chúc mừng, bạn có thể tự gọi mình là tiểu Phật tử.
Đúng, đây là loại danh tác mà bạn chỉ có thể thử kinh qua nó khi đã đạt độ chín nhất của Đời.
...
Sẽ không thừa khi thêm một lần ngợi ca dịch giả.
Tôi không hiểu dịch giả đã làm cách nào, nhất là khi như chia sẻ của chính ông thì tác phẩm đã hoàn thành trong một bối cảnh bĩ cực tình cờ, nhưng tôi cũng cho rằng chính cái không khí ấy đã tiếp sức cho ông nhập được hoàn toàn vào không khí ảm đạm của tác phẩm, để rồi đưa nó đến cho độc giả ở thể hoàn hảo nhất có thể.
Như đã nói nhiều, tôi không khuyến khích bất kì ai đọc, nhưng tôi lại khuyến khích mọi người nên mua nó, xem như một cách ta cùng nhau trả nợ cho dịch giả, trả cho một kỳ tích rất hiếm khi được gặp trong đời. Đây là bản dịch sang ngôn ngữ thứ hai toàn vẹn nhất có thể trên thế giới, tôi hoàn toàn không nghi ngờ điều đó.
Hãy cứ mua nó, mua nó, dù chỉ để trưng, cứ để nó ở đấy, ở đấy, chờ đợi một người vĩ đại bằng một sự tình cờ nào đó, mở nó ra.
Ngọc Ảnh
Comments