top of page

Tư Duy Luận - Phần 2

Đã cập nhật: 6 thg 8, 2023

Ở phần này chúng ta sẽ đi sâu hơn vào các tính chất của tư duy, được phân theo cặp: phân tích và tổng hợp, nhanh và chậm, cụ thể và trừu tượng.



1/ Phân tích và tổng hợp

Cơ bản nhất, là hai loại tư duy phân tích/chi tiết và tổng hợp/tổng quát. Hai loại tư duy đều tốn năng lượng não rất lớn, nếu đi được đến đỉnh cao của nó.


Óc chi tiết cần sự cần mẫn trong suy nghĩ với từng vấn đề cụ thể, để đào sâu. Óc tổng quát cần một tâm thế tò mò, sẵn sàng tiếp nhận thông tin trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau, để kết hợp. Bản thân mỗi hình thái đều hàm chứa sự sáng tạo: trong khi tư duy phân tích sẽ tìm cách đột phá các “bức tường” đã cũ trong lĩnh vực cụ thể, thì tư duy tổng hợp kết nối các thông tin tưởng như chẳng liên quan để tạo ra cái mới.


Để lên tới đỉnh cao của mỗi loại, cần sức mạnh của lối tư duy còn lại.


Nghĩ sâu, nghĩ chi tiết nhưng không mở rộng lĩnh vực, thì cũng chỉ quẩn quanh trong những gì mình biết, không có công cụ mới để đột phá. Ngược lại, ghi nhớ nhiều, nhưng không biết nghĩ sâu, thì cũng chỉ là nhắc lại kiến thức, không có kiến tạo thêm.


Tuy nhiên, có một hiện thực là tư duy tổng hợp trong xã hội thì ít hơn hẳn tư duy phân tích có tính khu biệt-chuyên môn hóa cao. Con người hay thực ra con nào cũng vậy, bản tính là luôn ưa sự dễ dàng, đáp ứng nhanh, và ngại cái mới. Từ xa xưa, tư duy nhanh và dễ dàng là cần thiết để sinh tồn, ứng phó kịp thời với môi trường đang sống. Từ đó sinh ra biệt hóa nhiệm vụ, phụ nữ làm gì, đàn ông làm gì, trẻ em làm gì, v…v. Nên nhớ, phải mất rất nhiều thời gian trước khi con người biết chăn nuôi và trồng trọt, vốn là những hoạt động đòi hỏi tư duy tổng hợp: quan sát thiên văn, tính lịch, xem thời tiết, vẽ địa đồ, tìm nguồn nước, v…v.


Nói vui, có thể xem dây chuyền sản xuất của Henry Ford là sự tái hiện mô hình phân công đã có từ thời nguyên thủy, hiệu quả cao trong sản xuất, nhưng yếu kém trong phát triển trí tuệ cá nhân lên bậc cao hơn. Mô hình đó luôn tồn tại trong mỗi hình thái và cấp độ xã hội, chẳng qua, ông Ford là người áp dụng thành công trong kinh tế, được điển hình hóa để gây tiếng vang.


Nên có thể nói, những người có đầu óc tổng hợp thì thích hợp nhất để làm lãnh đạo, vì những người đó có cái nhìn bao quát được mà phân công nhiệm vụ được rõ ràng. Số này luôn ít, và thường không được đặt đúng vai trò của mình (tìm đọc thêm “Nguyên lý Peter”).


Thế rồi, hai hình thái tư duy nói trên, đang được các thế hệ AI đua tranh qua hai trào lưu nổi bật: “Học sâu” (Deep Learning) và “Dữ liệu lớn” (Big Data).


Về “học sâu”, đấy là cách AI phân tích vấn đề ở một chiều rất sâu, rồi dùng nó để ứng đối với sự thật khách quan trước mắt. Ví dụ hay nhất là AI đánh cờ AlphaGo ở môn cờ vây, vốn tưởng như là thành trì trí tuệ cuối cùng của con người. Thế rồi, AlphaGo lần lượt đánh cho Lee Sedol và Ke Jie vốn rất cao ngạo phải thua tâm phục, thì ta biết, con người giỏi ở chỗ tạo ra được thứ giỏi hơn mình là một điều thú vị, vừa đáng buồn mà lại rất tự hào. Thế nhưng, AlphaGo dù có thành “thánh cờ” bất tử, thì hiện tại, nó cũng chỉ biết chơi cờ, nghĩa là còn kém rất xa những người sinh ra nó, vốn làm được đủ thứ tác vụ khác.


Còn “Dữ liệu lớn” thì chính là cách AI mô phỏng tư duy tổng hợp ở một quy mô rất lớn. Khi anh có trong tay một lượng khổng lồ dữ liệu, các quy luật (patterns) và xu hướng (trends) sẽ hiện ra, mà với lượng dữ liệu nhỏ hơn không thể thấy được. Những ví dụ rất hay: dựa trên xu hướng tìm kiếm để dự báo vùng lây lan bệnh dịch, xem lịch bay thế giới để săn vé giá rẻ, khoanh vùng bệnh án để tìm ra đối tượng nguy cơ cao, hệ thống quản lý và điều phối hàng hóa dựa trên xu hướng mua sắm của Amazon, v…v (Đọc thêm Big Data). Nhưng phần nhiều các Big Data hiện nay cần tư duy phân tích xuất sắc đến từ…con người. Con người vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc ra lệnh cho máy tính lọc tìm thông tin giá trị nhất.


Bây giờ, hãy nghĩ thử xem, nếu có ngày sức mạnh từ AI của Amazon và của Google hợp nhất và hỗ trợ nhau? Chúng ta sẽ có một đối thủ rất khủng khiếp.


2/ Nhanh và chậm


Trước khi vào hai phần sau, chúng ta nói về…vitamin trước.


Theo bác sĩ McCullough – giám đốc chiến lược về dịch tễ học của Hiệp hội Ung thư Mĩ, thì trong trái cây, rau quả có chứa rất nhiều “hóa chất thực vật" (phytochemicals) giúp hoạt hóa vitamin sẵn có. Ví dụ 5.7 mg vitamin C trong táo có hiệu quả chống oxy hóa tương đương… 1500 mg vitamin tổng hợp nhân tạo. Đấy là sức mạnh của tự nhiên mà con người dù rất tiến bộ vẫn chưa (và rất khó) sao chép được.


Ở đây, ta đang xem xét thực vật là những dạng sống thụ động, ít có phản hồi về giác quan, vốn là kết quả của các phản ứng hóa sinh.


Cấu trúc và cách hoạt động của các phytochemicals đã rất phức tạp, thì việc nghiên cứu và sao chép những hiện tượng tương tự ở động vật, những sinh vật chủ động, đa giác quan, dĩ nhiên khó khăn hơn thế nhiều lần.


Động vật, đặc biệt là con người, là những sinh vật sống rất lệ thuộc vào “nội tiết tố” (hormons) - có thể xem là tương đương với phytochemicals/phytohormons ở thực vật. Hormons điều khiển toàn bộ cảm xúc và hành vi của động vật: tăng hoặc giảm mức độ hoạt động của nội tạng là chức năng chính của chúng. Lấy ví dụ, một người có lượng dopamine cao trong não sẽ cảm thấy vui vẻ, xung thần kinh ở não trái mạnh mẽ hơn, giúp suy nghĩ trở nên logic hơn. Hoặc một người có adrenalin cao trong máu sẽ khiến cơ bắp khỏe hơn, đi cùng cảm giác vận động không biết mệt.


Điểm thú vị là hormons sẽ được kích hoạt bởi kích thích đến từ yếu tố ngoại vi (tìm hiểu thêm về Hormons). Phải, chúng ta là loài sống rất lệ thuộc vào những gì diễn ra xung quanh mình.


AI rất khó sao chép điều này. Nói cách khác, AI rất khó sao chép cơ chế và hệ thống sản sinh hormons trong cơ thể người. Cái ngày AI mô phỏng được các hoạt động đó của não và cơ thể, nghĩa là tự bản thân chúng đã chuyển từ AI sang AL: dạng sống nhân tạo (Artificial Life).


Quay trở lại vấn đề chính, về hình thái tư duy của con người. Chúng ta sẽ bàn về hai lối tư duy: nhanh và chậm.


Tư duy chậm là hình thái suy nghĩ logic, cẩn thận với tốc độ chậm. Bởi vì, tư duy chậm đòi hỏi sử dụng cả tư duy tổng hợp lẫn phân tích để đưa ra quyết định đúng. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là, trong hầu hết thời gian, con người không chọn lối tư duy này. Họ thích tư duy nhanh, vốn tiện lợi và ít tốn sức hơn cho não bộ. (tham khảo thêm “Thinking Fast and Slow”).


Nói đơn giản thì tư duy nhanh dựa vào hệ cảm ứng có tính lệ thuộc vào trực giác (Hệ XX) không qua kiểm chứng, và thường thì… nó sai.


Bây giờ ta hình dung, kiến thức và kinh nghiệm của một chiến sĩ như vũ khí được đựng trong một cái túi mang ra chiến trường. Khi gặp nguy cấp, người chiến sĩ ấy mò vào trong túi lựa vũ khí cho mình mà không qua chọn lựa, đang đấu với súng mà lấy gươm ra đỡ, thay vì lấy khiên chắn, thì hỏng đúng không?


Mặt khác, nếu cái túi ấy có tổ chức, chia ngăn: ngăn chiến đấu, ngăn phòng thủ, ngăn đào tẩu,… thì việc rút vũ khí lại trở nên chính xác và hiệu quả. Sự tổ chức ấy, chính là tư duy chậm. Người quen tư duy chậm sẽ tư duy nhanh rất giỏi, nhưng người ưa tư duy nhanh lại kém trong tư duy chậm.


Như vậy, lợi thế của AI hiện tại chính là, nó tư duy nhanh chính xác hơn hẳn con người, vì tư duy nhanh của nó là… tư duy chậm của con người trong chỉ một lĩnh vực xác định, nhưng được chạy bằng điện, và không bị ảnh hưởng của hormons gây nên sự mệt mỏi và sai lệch.


Cái ngày mà AI có được luôn cả tư duy chậm cho chính nó, chính là ngày nó thống nhất được suy nghĩ tổng hợp và phân tích đã được đề cập ở phần 1.


3/ Trừu tượng và cụ thể


Vậy thì nỗi lo về việc AI thống trị loài người rõ ràng là có cơ sở. Chúng biết tổng hợp, biết phân tích, với một tốc độ siêu nhanh và chính xác. Nếu có lỗi sai trong suy nghĩ, chúng dư khả năng bắt đầu lại mà không biết mệt. Chúng đúng là đối thủ nặng kí nhất của loài người. Nhưng sẽ vẫn chưa bằng loài người.


Vì chúng không có tư duy trừu tượng. Trong khi tư duy cụ thể là cái mà ta và chúng đều có.


Theo Karl Marx: “Tư duy là hiện thực khách quan được tái tạo và cải tạo trong đầu óc dưới dạng một phản ánh.”


Quá trình tái tạo hiện thực là tư duy cụ thể. Quá trình cải tạo hiện thực, là tư duy trừu tượng, hay tư duy cảm biến đặc trưng của hệ XY. Để có thể cải tạo hiện thực, hoặc là cần biết tái tạo hiện thực trước, hoặc chỉ cần dựa vào hiện thực để phát triển lên.


Lấy ví dụ quá trình vẽ. Khi họa sĩ vẽ kí họa phong cảnh, chân dung như chính xác những gì anh ta thấy, đấy là tư duy cụ thể. Khi anh ta vẽ phóng tác phong cảnh với những dáng hình lạ mắt hoặc vẽ chân dung biếm họa, đấy là tư duy trừu tượng. Picasso là họa sĩ sử dụng cả hai loại tư duy này một cách xuất sắc. Về sau, khi đã nắm rõ bản chất loài người, ông ấy chỉ dựa vào đó mà nét vẽ trở nên…vô cùng trừu tượng. Một ví dụ khác rất hay là Vincent van Gogh, với lối sử dụng màu xanh đã trở thành kinh điển.


Tiếp theo, chúng ta lấy ví dụ về âm nhạc. Âm nhạc, về bản chất, là chuỗi các âm thanh được sắp xếp trật tự và hài hòa. Âm thanh thì được sinh ra từ dao động của mọi vật thể. Tai người nghe được âm thanh của tự nhiên: tiếng mưa rơi trên đá, tiếng gió rít qua hang, tiếng nước chảy róc rách, tiếng dây cung rung động, v…v rồi từ đó tái tạo lại bằng trống, bằng sáo, bằng đàn, rồi kết hợp với nhau để giao hưởng. Với âm nhạc, con người đã tái tạo, và cải tạo hiện thực ở một bậc cao rất hiếm thấy ở các loài động vật khác.


Và rồi, đỉnh cao nhất của tư duy trừu tượng thuở sơ khai loài người, có lẽ là văn hóa tín ngưỡng. Từ những hiện tượng tự nhiên mà nghĩ ra thần thánh: thần nắng, thần mưa, thần cây, thần cẩu. Từ những con người bình thường mà nghĩ ra chuyện về các bậc siêu nhân: thần thoại Bắc Âu, thần thoại Hi Lạp, truyện cổ tích phép thuật, truyền thuyết truyền khẩu, v…v...


Con người, đã rất khéo léo sử dụng hormons để cảm thụ, để ứng xử với thế giới như vậy.


Thế giới được nhắc đến, có bản thân loài người trong đó. Họ giao tiếp với tự nhiên, rồi trở nên phức tạp. Sau đó, họ dùng cái phức tạp đó, giao tiếp với nhau để tạo ra đa dạng phức tạp. Điều này rất gần gũi với lý thuyết “điểm bùng phát” (The tipping point): một xuất phát nhỏ có thể gây nên kết quả vô cùng lớn nếu nó được duy trì đủ lâu.


Và đấy là khái quát lời giải thích cho câu hỏi: "Vì sao thế giới loài người đẹp như vậy?"


Đến đây chắc đã đủ.

Comments


Theo dõi tôi, nếu bạn thích

Cảm ơn bạn đã "stalk" tôi

bottom of page