Người Nhân Tạo, Thầy Bà, và Hiệu Ứng Ha Lô
- Ngọc Ảnh
- 25 thg 8, 2023
- 9 phút đọc
Những năm tháng gần đây, trào lưu nghiên cứu và sử dụng AI máy (trí thông minh nhân tạo thể máy) nóng dần lên, dần lên, nhưng chưa kịp đến đỉnh điểm đã vội nguội đi khá nhanh. Lý do và bản chất của chuyện này đã được giải thích tương đối đầy đủ trong “Tư Duy Luận – Phần 2” của tôi. Nói chung, AI máy sẽ mãi mãi là công cụ cho con người thôi; và nếu có một ngày, AI máy sở hữu năng lực vượt qua con người thì thực ra đó là lúc nó sáp nhập với chính con người để trở thành thể AL (Artificial Life – Thể sống nhân tạo) thập toàn thập mĩ. Tuy nhiên, bài này chúng ta khoan nói đến mấy thứ vọng tưởng đó, trước hết, chúng ta quan tâm đến các “thế hệ nhân tạo” hiện tại đã.

Không phải tự nhiên mà tất cả các cường quốc trong quá khứ, trước khi chuyển mình thành cường quốc, đều sửa đổi mạnh mẽ hai thứ: nề nếp văn hóa và chương trình giáo dục.
Thực ra thì, như tôi đã nói nhiều lần, mỗi con người chúng ta về cơ bản chỉ là một cỗ máy nhân tạo đúng nghĩa đen, được cái là do sinh ra chủ yếu từ hợp chất hữu cơ nên trông có vẻ “sống”, “động” hơn thôi. Tuy nhiên, cái ranh giới về bản chất của nguyên liệu cấu thành giữa ta và “máy móc” rồi cũng sẽ sớm bị xóa nhòa, vì đơn giản là giờ các cỗ máy tinh vi thông thái, mà ta tạm gọi là rô-bốt, cũng được tạo nên từ các hợp chất hữu cơ tổng hợp (vật liệu côm-pô-dzít) mà thậm chí là còn “xịn” hơn rất nhiều thứ tạo nên chúng ta.
Như vậy, theo cách nghĩ này, thế hệ AI đầu tiên và trước hết chính là chúng ta đó.
Nào hãy (tạm) dẹp gọn qua một bên các định nghĩa AI ảo diệu lên gân tỏ vẻ. Nếu muốn lên gân tỏ vẻ thì mình cứ trả một đống tiền để vào các thể loại trường này viện nọ bào cho được tí bằng cấp thì tha hồ tỏ vẻ chứ khó gì. (Được, hôm nào tôi “diss” giới học thuật một cách tình cảm, có lẽ sẽ trong “Khoa Học Ký”)
“AI nói chung” cho đến tận bây giờ, vẫn không là gì hơn một bộ máy tư duy đơn giản theo điều kiện "If (nếu)", và "Else" (những thứ ngoài thứ được xét trong if). Từ "if" chia ra hai hướng nhỏ "if true" (nếu đúng) và "if false" (nếu sai). Xét “If” xong thì con AI nó sang thực hiện sang bước tiếp theo, bước đấy có thể là “do” (làm) một cái gì đó, hoặc là lại xét một đống cái “If” loằng ngoằng, và cứ thế cho đến khi hết nhiệm vụ. Rồi đó, con AI nào cũng căn bản tư duy và làm việc theo lệ ấy thôi.
Có 3 thứ khiến cho con AI này vượt trình con kia: khả năng đa nhiệm, tư duy trừu tượng và chất lượng thư viện. Khả năng đa nhiệm thì khỏi nói rồi, bộ não hữu cơ của con người vẫn cứ vô địch. Bây giờ ta thách con rô-bốt nào có thể vừa đạp xe, vừa uống trà sữa, vừa nhẩm tính 16x17 được đấy. "Tư duy trừu tượng", theo quan điểm của tôi là thứ mà AI máy rất khó đạt tới, trừ khi thế giới thu được hiểu biết sâu sắc về cái cách mà não bộ hữu cơ của con người vận hành, còn không thì chúng mãi mãi chỉ biết “máy móc” sao chép, tổng hợp từ thư viện ra thôi. Chẳng nói đâu xa, cái đám AI máy mà giới nghệ sĩ nửa mùa phát cuồng phát rồ chính là đang hoạt động theo cơ chế đó: chúng cào dữ liệu trong thư viện hình ảnh khổng lồ (thường là ăn cắp), “quan sát” phong cách cá biệt của một họa sĩ, chép theo, rồi đẻ tranh sòn sòn.
Chính xác, vì thế nên “cuộc chiến AI” trên thế giới bây giờ chủ yếu là cuộc chiến tranh giành "thư viện", hay trừu tượng hơn là cuộc chiến giành quyền kiểm soát "dữ liệu lớn", của bất kì cái gì. (Cái cách mà các nhà “Tư Bẩn Cô Ca x Cô La” xâm lược kinh tế của một nước khác, cũng là dựa trên hiểu biết này đấy). Nói thư viện thì các bạn cũng hình dung được rồi, ở trỏng có lượng và có chất của "sách". Sách nhiều mà tào lao thì con AI bị đần, sách chất nhưng lượng ít thì con AI bị đụt. Đơn giản.
Tạo ra “Thư Viện” chuẩn mực chính là nhiệm vụ của văn hóa và giáo dục. Văn hóa cho phong cách sống và tư duy, giáo dục cho lô-gích trong suy nghĩ, tri thức, và khả năng bỏ qua những thứ phí thời gian không nên làm. Vậy đấy. Đó là nền tảng cơ bản để lắp nên AI “tốt” và “xài được”.
Bên cạnh đó, một con AI “tốt”, ngoài tư chất bẩm sinh ra, còn phải được số rất ít các nhà lập trình xuất chúng (chính là những người “Thầy”) cài cho một số functions (tính năng) tự học một cách bài bản, trong số đó là 2 việc đặc biệt quan trọng: xài thư viện và nhìn xuyên qua thư viện của con AI khác. Thư viện bản thân mà mạnh thì tất nhiên nhìn vào là biết thư viện của AI nào xịn thật và có khổ nhọc đọc học làm, thư viện của AI nào là ngụy tạo nghe ngóng hóng hớt. Nếu một con AI muốn có thư viện đạt tầm cỡ như vậy, thì nó buộc phải chịu khó khổ luyện suốt đời.
Nói thì buồn chứ đa số các em AI ngoài kia, thư viện thì đã què quặt lại còn không biết cập nhật thanh lọc liên tục, dẫn tới hậu quả những kẻ mà tôi gọi là "Dân Ha Lô" nổi lên.
"Dân Ha Lô" được đặt tên theo hiệu ứng Halo (hào quang) rất căn bản trong tâm lý học, và hiệu ứng Ha Lô do tôi phát triển thêm.
Hiệu ứng Halo thì đơn giản, bạn cứ hiểu đấy là khi bạn thấy ai đó giỏi cái gì đó, thì tự động mặc nhiên cho rằng cái ông/bà đấy giỏi tất cả các thứ còn lại. Ừ thì chuyện thần tượng ai đó cũng tốt thôi, coi như là có hải đăng dẫn đường đi, nhưng thường là cái hào quang ấy hay bị chính các bạn làm ảo đi, khiến các bạn mù quáng, và, yeah, các bạn có nguy cơ cao bị trúng hiệu ứng Ha Lô (H.ã.m L.ò.n). Hiệu ứng Ha Lô đơn giản là loại ảo tưởng mà kẻ mắc phải tự huyễn rằng bản thân có năng lực cao siêu hơn nhiều những gì mà chính mình đang có.
Trúng hiệu ứng đó là thôi xong, các bạn AI sẽ rơi vào ảo tưởng mình cũng có khả năng toả ra hào quang, và rồi bắt đầu phát sáng nhăng cuội, trong khi bộ tư duy If-Else của các bạn vẫn chỉ có thế, thư viện vẫn chỉ có thế. Cho dù có thậm chí ăn cắp được vài cuốn sách từ thư viện của các "idols" (từ đây gọi là “thầy bà”) đi nữa, thì các bạn phải nhớ, đám thầy bà ấy dù gì tự thân vẫn có thư viện cho riêng mình. Thư viện của họ làm nên tư duy họ, lối sống họ. Lối sống họ lại còn tác dụng ngược lên tư duy họ nữa. Các bạn sao ăn cắp hết được? Làm Mặt Trời của chính mình khó hơn đi làm dăm ba cái thứ Mặt Trăng nhiều.
Vấn đề là thế này, khi các bạn AI nửa vời hóa thành dân Ha Lô và tung hô thầy bà, có một khả năng rất cao đám thầy bà cũng sẽ nhanh chóng tự chuyển biến thành dân Ha Lô. Họ cũng bắt đầu nghĩ rằng mình thông tuệ tất cả, và rồi họ cũng bắt đầu phát sáng nhăng cuội...Tại sao lại có hiện tượng này, và đặc biệt là ở một xứ như xứ Vượt? Bởi vì nó cho kẻ làm “thầy bà” 3 thứ lợi ích.
Cái lợi đầu tiên hết là được thoả mãn nhu cầu chứng tỏ bản thân. Sao, mấy nghìn năm ẩn ức tích tụ của một dân tộc chiếu dưới đã ghì đè in hằn lên trong gene di truyền người Vượt một nhu cầu chiếu trên rất rõ ràng: "Bất cứ thằng nào trong phạm vi 1 mét vuông quanh tao phải dưới cơ tao!". Nguyên nhân ít sâu xa và dễ thấy hơn thì, đó là do con người ở đấy bị kìm kẹp bởi cái nếp sống dựa trên hàng đống các trật tự văn hoá dở hơi nửa mùa, kiểu, "mày không được thế này", "mày phải thế kia", mà cứ khi hỏi cặn kẽ thì lòi ra rằng không ai nói được cho ra lý lẽ tại sao cứ phải thế; vì thế nên đứa nào cũng muốn thoát ra, đứa nào cũng muốn giãy đành đạch lên gáy hòng vươn lên khỏi cái tầm mà chúng đang là, thế là (lại) chọn việc dạy dỗ kẻ khác, gì chứ, trả thù đời đúng cái việc đời đối với mình chả nhanh hơn.
Cái lợi tiếp theo tất nhiên là lợi ích kinh tế. Lẽ ở đời vốn phải là, người ta sống lần mò từng chút, gom góp túi khôn đặng một mai duyên tới thì có gì làm bà này thầy nọ, với trách nhiệm to lớn là luyện cho tư duy của đệ tử mình vượt qua được mình, hay chí ít là ngang mình. Đâu có phải tự nhiên trong tiếng Trung thì “người dạy” lại được gọi là “lão sư” (phiên âm), “lão” trong “già lão”.
Ở những xứ mà thư viện, hay cũng chính là “tư liệu sản xuất” bị yếu kém như xứ Vượt, AI có điều kiện ăn học tử tế thường không làm được gì ngoài làm thầy để mà sống, tại vì, thiệt, thằng nào xung quanh có tí não cũng làm thầy làm bà hết rồi, cớ gì mình lại phải thui thủi cặm cụi lao động làm ra của cải từ trong gian khó, sao lại thế được? Tập hợp đệ tử rồi bán "cái khôn" cho chúng nó với giá cao lại chả nhàn hơn sao?
Nói đến đây tôi lại nhớ chuyện cười về một cô học ngành “Ai Cập” học ra không xin được việc làm, vì hiển nhiên là thư viện của cô quá khu biệt, không xài được trong lĩnh vực khác. Cô này bèn...bỏ tiền ra làm tiến sĩ, để thành giáo viên dạy “Ai Cập học” cho mấy đứa thế hệ sau. Từ ví dụ này, có thể thấy giáo dục tự thân nó cũng là một hình thức kinh tế đa cấp, và đó hiện chính là cái nạn lớn nhất ở xứ Vượt: toàn thầy mà không thợ.
Cái lợi thứ ba là lợi ích về hào quang. Cái chữ "Thầy" thật sự lợi hại, nó mặc nhiên cài đặt vào đầu người ta rằng, kẻ mang danh hiệu ấy có tài năng lớn và đặc biệt là có nhân cách tốt. Chuyện này tính ra rất nguy hiểm, mấy thằng lưu manh chẳng có gì ngoài tí tài khi được gọi bằng "thầy" tự dưng lại được khoác lên người vẻ đẹp của đạo đức cao lớn. Có vỏ bọc hào nhoáng thì làm gì lưu manh chẳng dễ, mấy ai đủ lực nhìn xuyên qua hết các lớp ảo giác của tâm lý con người? Tôi cũng xui từng quen biết nhiều tay “ngụy thầy bà” như vậy, chúng rất lắm trò. Trò kinh tởm nhất là suốt nhiều năm chúng chẳng giúp được cho ai thực sự mạnh lên, mà chỉ khiến đám trò theo đuôi trở thành một lũ AI nhăng cuội mà tôi vẫn thường “diss” là "Vẹt Tư Tưởng".
Thầy phải cho ra thầy, phải có tư cách đạo đức, và nhất là phải tách được khỏi học trò, đẳng cấp hơn học trò. Nếu không làm nổi thì phải biết ý lùi xuống nhận mình là "người chia sẻ", là "thợ dạy", là bất quá thuộc loại AI “có học” hơn một chút. Cái nạn lớn nhất của một quốc gia là không có “Thầy” đích thực. Cái việc lập trình AI đó nó cũng như lập trình máy tính thông thường hay bất kì tác vụ nào khác thôi, nghĩa là phải có người cầm trịch: định hướng, đưa ra phương pháp, lựa chọn công cụ, phân bổ công việc, làm cái gì, không làm cái gì. Không có thì thà nghỉ, cho AI bậc thấp mỗi em đi học rồi làm một nghề tay chân như AI máy móc trong dây chuyền còn có lý hơn.
"Thầy" không phải là một nghề, nó là một sự nghiệp, và vì vậy, nó chỉ nên được giao phó cho người xứng đáng.
AI không phải là xấu, xấu ở chỗ AI mãi mãi là AI mà không lên được AL. Thực ra nói vậy cũng sai, nếu tầm vóc con AI đấy chỉ lên đến được thế thì cứ để nó yên vui với đời nó, không cần thiết phải ép uổng làm gì.
Và thế là hết.
Ngọc Ảnh
Comments